Chăm sóc Pet cưng

THỨC ĂN, DINH DƯỠNG VÀ KỸ THUẬT CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG CHÓ (P3)

THỨC ĂN, DINH DƯỠNG VÀ KỸ THUẬT CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG CHÓ (P3)

Dinh dưỡng thôi vẫn chưa đủ, bạn cần tranh bị cho mình những bài học về việc chăm sóc và nuôi dưỡng chó trở nên khỏe mạnh và năng động hơn.

3. Kỹ thuật nuôi dưỡng chó từ 1 tuổi trở lên

Giai đoạn này bạn có thể thay món thịt bằng món cá luộc đã gỡ xương hoặc cá hồi, cá mòi đóng hộp, thịt gà luộc đã bỏ xương, gan hay tim nấu chín cùng với bột ngũ cốc và rau hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào dành cho chó mà gia đình bạn có điều kiện chế biến. Bạn có thể ngừng cho ăn dầu cá thu khi chó được 1 tuổi và có thể tăng lượng thức ăn hàng ngày nếu cần thiết. Chó 1 năm tuổi nếu không được luyện tập thì có thể cho ăn 1 lần/ngày vào đúng một thời gian nhất định. Cho chó ăn thịt hoặc cá và không nên thay đổi món thịt lâu vi trong thịt chứa nhiều chất đạm. Lượng thức ăn trong khẩu phần cho chó như sau (ví dụ chó Béc giê Đức):

Đối với chó không luyện tập: thịt 600 – 800g + pho mát 50g + súp rau đặc 100g + gạo 150g.

Đối với chó luyện tập: thịt 800 – 1000 g + pho mát 100 – 200g + súp rau đặc 100 – 200g + gạo 100 – 200g.

Đối với chó giống: thịt 1000g + pho mát 500g + súp rau đặc 100g + gạo 150g. Nên thái nhỏ thịt và cho chó ăn thức ăn dạng sệt. Khi chó ăn nhiều và rời khỏi chậu thức ăn thì thu dọn ngay thức ăn thừa. Buổi sáng và buổi chiều có thể cho chó ăn thêm xương bê và nếu thấy chó ăn chưa no thì có thể cho chó ăn thêm bánh bích quy hoặc bánh mì khô và uống nước.

Cho chó luyện tập, làm việc ít nhất sau khi ăn 1 giờ. Thức ăn thường cho chó trong giờ tập, huấn luyện tốt nhất là món thịt, cả lấy từ khẩu phần ăn chính của ngày, làm như vậy mới phù hợp với phương pháp huấn luyện chó, Khẩu phần ăn hàng ngày của chó cần tính đến nhu cầu, chất đạm, chất khoáng và vitamin. Nếu chó bị gầy cần cho chó ăn các loại thức ăn giàu canxi, gluxit và lipit.

4. Kỹ thuật nuôi dưỡng chó đực giống

Dân gian có câu: “đực tốt thì tốt cả đàn”, “cái tốt chỉ tốt một ổ”, vì vậy cần chăm sóc nuôi dưỡng chó đực giống đúng phương pháp. Nếu phối giống đúng khoa học và đạt kết quả thì mỗi năm 1 con chó đực cho ra khoảng 60 – 80 con chó con.

Để có 1 chó đực tốt trước hết cần chọn được con giống tốt. Các chỉ tiêu chọn giống như sau:

Phẩm chất giống của bố mẹ, anh chị em trong đàn. Mục đích sử dụng chó theo hướng chăn nuôi sinh sản, tham gia các cuộc thi đấu, làm vệ sĩ hay chỉ làm bạn.

– Chọn theo ngoại hình: hình dáng cân đối, đẹp, lanh lợi, khỏe mạnh, mắt tinh, tai thính, mũi thính, răng sắc, thân hình chắc, chân khỏe, toàn thân có độ dốc về sau, vai cao, đặc biệt là cơ quan sinh dục phải đảm bảo 2 dịch hoàn to đều, gọn, dương vật phát triển đều, có phản xạ sinh dục tốt, khi trưởng thành hăng hái nhà giống, nhà cái khoẻ, phối giống có kết quả thụ thai cao.

– Phẩm chất giống của đời sau: đàn con sinh ra sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều đặc điểm tốt giống bố. Trong quá trình nuôi dưỡng nếu chó đực xấu đi, thoái hoá thì kịp thời loại thải để tìm con khác thay thế.

Khẩu phần ăn của chó đực giống cần có tỷ lệ đạm cao hơn và đầy đủ vitamin A,D,E. Không nên cho chó đực ăn nhiều mỡ (chỉ nên cho ăn thịt nạc, tim, gan.. và cả bỏ xương nấu chín), giảm bớt chất bột để đề phòng chó béo quá. Khoáng bổ sung vào khẩu phần ăn của chó đực ngoài canxi cần đặc biệt chú ý tới kẽm và mangan, hai nguyên tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chó đực.

Trước khi cho giao phối 7- 10 ngày cần bồi dưỡng thêm 1 quả trứng/ngày và sữa bò tươi để tỷ lệ thụ thai đạt cao. Trước khi cho nhảy giống lần đầu phải biết cách giúp đỡ chó nhảy đúng, tránh va chạm nhiều, tránh “vờn” nhau kéo dài làm chó đực quá mệt mà hại đến sức khoẻ. Tuổi giao phối tốt nhất của chó đực là 24 tháng tuổi và thời gian khai thác chó đực là 9 – 10 năm. Chó đực có thể phối giống vào các mùa trong năm. Nên cho chó nhảy cái cách nhau 7 – 10 ngày/lần. Thời gian phối giống tốt nhất vào sáng sớm hoặc gần tối khi thời tiết dịu mát. Nơi giao phối phải sạch sẽ, khô ráo và yên tĩnh. Sau khi ăn no hoặc đi vận động 30 phút đến 1 giờ mới cho nhảy cái. Thường xuyên cho chó đực giống dạo chơi, vận động ở sân bãi có cây xanh bóng mát, không khí trong lành, luôn luôn tắm chải cho chó sạch sẽ, bảo vệ cơ quan sinh dục để tránh xây xát, viêm nhiễm.

5. Kỹ thuật nuôi dưỡng chó cái sinh sản

Bạn muốn nuôi chó cái sinh sản để kinh doanh (làm kinh tế từ chó) thì trước hết bạn phải chọn được một con chó cái tốt là con của chó bố mẹ có phẩm giống tốt. Ví dụ, chó mẹ đẻ sai (từ 6 – 8 con/lứa), tầm vóc ngoại hình cân đối, khỏe mạnh, mông nở, xương chậu rộng, khoeo sau rắn chắc, có nhiều vú, các vú đối xứng nhau qua trục bụng đều đặn, có từ 10 – 12 vú là tốt nhất.

Chó con chọn làm giống nuôi sinh sản thì cần chăm sóc nuôi dưỡng tốt ngay từ lúc mới sinh ra, cho bú lâu hơn nhưng không nên để chó béo quá. Chú ý cho ăn đầy đủ chất đạm, chất khoáng và vitamin A, D (Trivit, Tetravit) ngay từ đầu để khung xương phát triển tốt, con to dễ đẻ. Thường xuyên cho chó cái sinh sản vận động ở sân bài có bóng cây mát mẻ, trong lành và tắm nắng cho chó hợp lý. Tuổi giao phối thích hợp của chó cái là 18 – 20 tháng tuổi (bỏ qua 2 lần động dục đầu 10 – 12 tháng tuổi, đến lần động dục thứ 3 mới cho phối giống) vì vào thời điểm này cơ thể con cái đã phát triển hoàn thiện hơn.

Trước khi phối giống 15 ngày, cho chó ăn đầy đủ chất đạm, vitamin, chất khoáng, nước sạch. Chuồng nuôi chó luôn khô ráo, sạch và thoáng mát.

Nếu bạn phát hiện chó động dục phải ghi ngày giờ vào sổ tay ngay (giờ, ngày chảy máu ở âm hộ) và cần theo dõi sự thay đổi màu sắc ở âm hộ chó cái, chú ý chất nhầy chảy ra từ âm hộ để xác định ngày và cho đực phối giống đúng thời điểm. Xét về mặt sinh lý chó thì thường từ ngày thứ 9 trở đi chó cái đã có khả năng chịu đực. Thì thường các chủ nuôi chó đực giống kinh doanh rất có kinh nghiệm xác định ngày phối giống cho chó cái nhằm đạt tỷ lệ thụ thai cao và số con đẻ ra nhiều.

Sau khi phối giống nếu dự đoán chó cái đã mang thai thì phải chăm sóc nuôi dưỡng tốt, mỗi ngày bổ sung thêm vào khẩu phần 80 – 100g thịt nạc hoặc 2 quả trứng + 1 cốc sữa tươi.

Từ tháng chửa thứ 2 trở đi chỗ cái mới thay đổi rõ như tăng khối lượng, bụng to ra, bầu vú căng dần. Thời gian mang thai của chó khoảng từ 60 – 62 ngày, có con dưới 62 ngày, nhưng có con đến 65 ngày.

Thời kỳ đầu mang thai cho chó ăn ngày 3 bữa, thời kỳ sau cho ăn ngày 4 bữa, đảm bảo chất lượng của khẩu phần thức ăn: đủ đạm, vitamin, khoáng và cho chó uống nước sạch tự do vì lúc này chó cái rất cần nước cho quá trình trao đổi chất để phát triển bào thai. Chuẩn bị ổ đẻ cho chó trước từ 2 – 4 ngày. Ổ đẻ phải thoáng mát mùa hè, kín âm, khô sạch vào mùa đông.

Trước khi đẻ 1 ngày chó cái thường bỏ ăn, đi lại quanh chuồng tìm ổ đẻ, thở nhanh hơn, rên rỉ, nhất là lúc chuyển dạ sự đau đớn tăng lên, chất nhầy từ âm hộ chảy ra nhiều. Khi con đầu tiên lọt ra ngoài chó mẹ cắn rách bọc cho chó con chui ra, sau đó chó mẹ cắn dây rốn và liếm khô chó con, tiếp đến là sự chuyển dạ để đẩy các con khác ra ngoài. Khoảng cách giữa con trước và con sau thường là 20 phút hoặc có thể dài hơn. Cuộc đẻ kết thúc trong khoảng từ 3 – 10 giờ tuỳ số lượng con và tuỳ sức khỏe chó mẹ.

Trong lúc chó đẻ cần quan sát, theo dõi để phòng khi chó mẹ đẻ khó, chó con đẻ ra yếu hoặc bị ngạt mà can thiệp kịp thời. Ví dụ như xé bỏ màng nhau, dùng giấy vệ sinh lau khô cho chó con và đặc biệt phải lau dịch nhầy ở mũi và miệng để chó con thở dễ dàng hơn.

Khi cuộc đẻ kết thúc nên cho chó mẹ uống sữa hoặc nước đường pha thêm vitamin B1, để chó nghỉ khoảng vài tiếng mới cho chó ăn cháo thịt hoặc cháo trứng và duy trì trong 24 giờ sau khi để. Những ngày tiếp theo cho chó đẻ ăn 3 – 5 bữa/ngày. Sau khi cho chó mẹ ăn bữa đầu cần thay lót ổ cho chó con và tiếp theo thay lót ổ hàng ngày để giữ cho ổ sạch sẽ, chó con khỏe mạnh, ít bệnh tật.

6. Chăm sóc, tắm chải chó

Khi mua chó về nhà, nếu là mùa đông bạn nên đặt chó trong túi ấm hoặc đựng chó trong giỏ có nắp, đáy đặt miếng lót bằng vải mềm. Nếu là mùa hè thì đặt chó vào giỏ hoặc lồng xách tay, đáy có lót rơm hoặc cỏ khô. Để chó con đỡ nhớ mẹ thì lấy miếng lót giỏ lau người chó mẹ, như vậy miếng lót đã giữ mùi chó mẹ. Để chó con đỡ nhớ đàn, nên đặt túi chườm dưới miếng lót ổ, như vậy túi chườm sẽ thay thế ổ ấm của nó. Điều này có nghĩa là ổ chó con phải ấm. Tuy nhiên vẫn phải cho chó con ra chỗ có ánh sáng, thiếu ánh sáng mặt trời sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sự phát triển của chó con. Không nên xích chó ở một chỗ mà nó cần được đi lại tự do trong phòng. Nếu muốn hạn chế chó con đi lại thì nhốt chúng vào một phòng riêng nhưng không nhốt vào nhà vệ sinh hay phòng tắm. Chó con thường xuyên quấy rầy bạn và bạn hay phải bắt nó về nơi quy định, những vận động nhiều và thường xuyên là điều bắt buộc với chó nuôi trong nhà. Chó con nhất thiết phải được tiêm phòng vắc xin đa giá từ 45 ngày tuổi (tiêm hai lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày). Chó 3 tháng tuổi cần tiêm phòng vắc xin dại. Chó con cần được tẩy giun sán định kỳ. Để để phòng bệnh giun sán cần rửa sạch chậu (tô) đựng thức ăn, nước uống và phơi khô dưới ánh sáng mặt trời.

Phòng bệnh ve chó, các bệnh ghẻ và nấm ở chó cần xịt thuốc Frontline. Không được để chó tiếp xúc với chó bị bệnh ghẻ, ve, nấm. Chỗ ở của chó phải khô ráo, thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông và không bị gió lùa, mưa hắt. Nên lót dưới lớp thảm đệm cho chó nằm một lớp lá ngải cứu để trừ bọ chét và lớp côn trùng khác.

Cần quan tâm kiểm tra chó hàng ngày, định kỳ tẩy giun sán, đề phòng bệnh giun móc và giun đũa từ ngày 21 trở đi. Chú ý diệt trừ ve, ghẻ, rận, bọ chét hút máu gây bệnh cho chó.

Chó ít khi cần tắm, tắm nhiều hại hơn tắm ít. Tắm thường xuyên sẽ làm mất chất nhờn tự nhiên ở bộ lông và dễ làm da chó nứt nẻ. Da chó nhạy cảm hơn da người và dễ bị ngứa ngáy vì xà phòng, bởi thế bạn nên dùng loại nước tắm chuyên dùng cho chó và nhớ không nên tắm trong vòng 2 giờ sau khi ăn. Không tắm rửa chó con cho đến khi được 6 tháng tuổi. Không đưa chó ra ngoài trời sau khi tắm trừ khi thời tiết ấm áp. Khi tắm cho chó bạn hãy nhẹ nhàng và tắm thật nhanh, nước tắm phải ấm và đừng để nước tắm dính vào mắt chó. Nếu lúc đầu con chó của bạn sợ đứng trong nước thì bạn để nó đứng trong bồn không có nước và tắm bằng nước lấy từ ngoài vào bồn, xát nước tắm (hoặc xà phòng) khắp thân nó rồi xả nước sạch, lau khô ở nơi ấm áp không có gió.

Mỗi tuần nên chải lông cho chó 2-3 lần để giữ sạch bộ lông và loại bỏ các sợi lông bị rụng. Tốt nhất là bạn nên dùng loại lược (bàn chải) dành riêng cho từng loại chó. Nhu cầu các chất dinh dưỡng đối với chó con từ 3 tháng trở đi là rất lớn, phải tăng dần, chú ý bổ sung đầy đủ chất đạm, khoáng và vitamin A, D,E. Nuôi chó ở gia đình có hiệu quả kinh tế hơn nuôi chó tập trung, chó sinh sản tốt hơn, ít bị dịch bệnh hơn và nếu có bị bệnh cũng chỉ cá biệt từng ổ, tránh được sự lây lan.

Để chăm sóc tốt hơn cho chó, nhất là để xử lý những tình trạng khẩn cấp như bị què (do gãy xương hoặc đứt dây chằng, dẫm phải gai); dây chằng chữ thập chạy qua đầu gối bị căng hoặc đứt, viêm kết mạc (mủ đùn ra từ mắt); thoái hóa xương sụn (do một mảnh xương sụn rời ra bên trong khớp xương); bị bỏng lửa, nước sôi; bị choáng do tai nạn xe cộ, cắn lộn lẫn nhau, ngộ độc, bị quá nhiều giun sán,… đều cần hỏi ý kiến bác sĩ thú y.

Ngộ độc do ăn uống là một hội chứng cấp có thể xảy ra trong khi nuôi chó. Về mùa hè nếu thức ăn cho chó bảo quản không hợp vệ sinh dễ bị nhiễm khuẩn thì chó có thể bị ỉa chảy, nhiễm độc. Cho nên thức ăn cho chó không được để ôi thiu không cho ăn thịt gia súc bị bệnh truyền nhiễm, không cho ăn cá bị ươn (dù đã nấu chín chó vẫn bị ỉa chảy do độc tố). Nếu cho chó ăn các loại thịt muối, cá muối rất dễ gây trúng độc vì chó phàm ăn nên hay ăn nhiều, trúng độc muối nặng sẽ chết. Khi chó bị trúng độc thức ăn và ngộ độc muối thường biểu hiện: bỏ ăn, nôn, bước đi loạng choạng, đau bụng ỉa chảy có máu, nước bọt chảy ra nhiều, cơ bắp co giật, chó vật vã yếu ớt. Lúc này nếu không giải độc kịp thời chó sẽ bị chết.

Một điều đáng lưu ý nữa là kẻ xấu có thể trộn các loại thuốc độc để giết chó hoặc dùng bột hạt mã tiền cho chó ăn để bắt chó. Vì vậy, việc chăm sóc nuôi dưỡng chó phải hết sức lưu ý và quản lý chặt chẽ. Khi cho chó dạo chơi vận động không cho chó liếm láp, ăn các loại thức ăn bẩn hoặc chuột chết ở trên đường.

Đang xem: THỨC ĂN, DINH DƯỠNG VÀ KỸ THUẬT CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG CHÓ (P3)

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng