Kiến thức thế giới Pet

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P2)

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P2)

Trang bị cho bản thân kiến thức về bệnh của chó sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra và nhanh chóng phòng ngừa, điều trị cho chú chó của mình

BỆNH GIUN ĐŨA
(Ascariasis)

I. Đặc điểm

– Bệnh gây nhiều thiệt hại cho chó con từ 1 – 4 tháng tuổi.
– Chó con sau khi sinh đã mang sẵn mầm bệnh trong cơ thể. Đến 21 ngày tuổi thì bệnh đã rất nặng.

II. Triệu chứng

Chó con mắc bệnh giun đũa có biểu hiện:
+ Thân gầy còm, lông xù, bụng phình to như bụng cóc, thỉnh thoảng từng đoạn ruột nổi lên nhu động, sờ nắn vào có cảm giác cứng.
+ Chó đi ỉa phân sền sệt màu xám trắng, thối khẩm. Xung quanh lỗ hậu môn, lông bị dính bết phân.
– Chó đau bụng, do vậy thường kêu và có hiện tượng đi lùi lại phía sau. Đa số chó bị suy kiệt dần rồi chết.

IV. Biện pháp phòng trị

– Dùng thuốc Sanpet tẩy giun cho chó với liều một viên cho 5kgP. Trộn lẫn với thức ăn hoặc cho uống trực tiếp vào buổi sáng.
– Để phòng trị bệnh giun đũa nên tẩy theo quy trình sau:
+ Chó con từ 14 – 25 ngày tuổi tẩy 1 lần.
+ Chó con 4 tuần tuổi tẩy lần 2
+ Chó 6 tuần tuổi tẩy tần 3

Sau đó định kỳ 3 – 6 tháng tẩy 1 lần.

– Nếu chỗ bị bệnh ở thể nặng dùng phác đồ sau:
+ Dùng thuốc Sanpet cho uống 2 lần cách nhau 2 tuần.
+ Tiêm Hanmectin 25 liều 0,10 – 0,15 ml/kgP, tiêm dưới da.
+ Tiêm vitamin C và vitamin B1 để nâng cao thể trạng
+ Truyền đường Glucose 5% hoặc Ringerlactat cho những con có triệu chứng mất nước và điện giải.

BỆNH GIUN MÓC
(Ancylostomatosis)

I. Đặc điểm

– Bệnh giun móc là một trong những bệnh giun tròn gây thiệt hại nhiều nhất cho chó.
– Chó nhiễm bệnh giun móc thể hiện các biểu hiện lâm sàng đặc trưng: thiếu máu, viêm ruột cấp và mãn tính có kèm theo chảy máu ruột.
– Đặc biệt chó non từ 2- 4 tháng tuổi, khi mắc bệnh chó chết với tỷ lệ cao (50 – 80%). Bệnh gây hại nghiêm trọng ở chó cảnh (chó Béc giê, Fok, chó Nhật).
– Bệnh giun móc xảy ra quanh năm ở chó nhưng thường gặp nhiều nhất ở cuối mùa xuân và mùa thu ở nước ta.

II. Triệu chứng

Chó bị bệnh giun móc ở 2 thể: Cấp tính và mãn tính

1. Thể cấp tính
Thường thấy ở chó non khi cảm nhiễm nặng. Thể này làm cho chó bệnh chết với tỷ lệ cao. Đặc biệt chó dưới 4 tháng tuổi có thể chết 60- 100%. Chó bệnh biểu hiện: nôn mửa liên tục, có khi nôn ra máu, bỏ ăn hoặc ăn rất ít, ỉa chảy dữ dội, phân có lẫn máu màu cà phê (nâu sẫm) hoặc màu đen, có dịch nhầy và mùi tanh khẳm. Chó thường chết do mất máu, mất nước nên rối loạn chất điện giải trong máu, trụy tim mạch và kiệt sức.

2. Thể mạn tính
Triệu chứng thể hiện bệnh mạn tính cũng giống như ở thể cấp tính, nhưng thể hiện nhẹ hơn và thời gian dài hơn. Một tháng sau khi nhiễm ấu trùng, chó thể hiện hội chứng thiếu máu, chảy máu ruột, nhưng sau 2 – 3 tháng những triệu chứng này mất dần. Trong điều kiện vệ sinh, chăm sóc chó được tốt, dinh dưỡng đủ chất có thể làm cho chó khỏi bệnh hoàn toàn.

III. Điều trị

1. Thể bệnh cấp tính
Nguyên tắc điều trị: tẩy giun móc cho chó kết hợp với biện pháp trợ sức trợ lực và điều trị viêm ruột cho con vật.
+ Tẩy giun móc : dùng Sanpet liều 1 viên cho 5kgP
+ Điều trị viêm ruột: có thể dùng một trong số kháng sinh sau: Hamcoli – S, Hampiseptol, tiêm bắp liều 1ml/10kgP
+ Chống chảy máu dùng vitamin K
+ Trợ sức trợ lực: Truyền nước sinh lý mặn ngọt, hoặc cho uống dung dịch Oresol; tiêm Spactein hoặc Cafein Natribenzoat 20% (để chống rối loạn và trụy tim mạch).

2. Thể bệnh mãn tính hoặc không có triệu chứng lâm sàng
Biện pháp chủ yếu là tẩy giun cho chó bằng Sanpet, tẩy 2 lần cách nhau 2 tuần với liều 1 viên/5kgP.2

IV. Phòng bệnh

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
– Định kỳ 3 – 4 tháng kiểm tra phân chó 1 lần. Khi phát hiện thấy có trứng giun móc thì phải tẩy ngay cho chó. Nếu không có điều kiện kiểm tra phân thì cứ 4 tháng tẩy giun cho chó 1 lần.
– Đảm bảo vệ sinh và định kỳ tẩy uế chuồng nuôi, nơi chăn thả chó (Đối với các cơ sở nuôi chó tập chung).
– Nuôi dưỡng và chăm sóc chó chu đáo để nâng cao sức đề kháng với bệnh dịch nói chung và bệnh giun móc nói riêng. Cho chó ăn uống sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm mầm bệnh (ấu trùng giun móc).

BỆNH GHẺ DO SARCOPTES
(Sarcoptes scabiei var. canis)

I. Đặc điểm

– Ở Việt Nam, bệnh ghẻ này đã thấy ở chó Béc giê, chó Nhật, chó Fox và thường thấy có 2 loại bệnh:
+ Bệnh ghẻ da do ghẻ: Sarcoptes canis.
+ Bệnh ghẻ bao lông do ghẻ: Demodex canis.
– Bệnh ghẻ làm cho chó ngứa ngáy khó chịu suốt ngày đêm, ăn ngủ không yên, gầy còm sút cân. Nếu không được chữa chạy kịp thời thì khắp cơ thể chó bị rụng trụi lông, kế phát do các vi trùng sinh mủ khiến cho da chó bị bệnh dày cộm, sưng mộng mủ Bệnh nặng làm cho chó bị suy kiệt và trúng độc máu mà chết.

I. Triệu chứng

Chó luôn luôn bị ngứa ngáy, khó chịu cho nên phải đi chân lên gãi hoặc lấy răng cắn, gặm vào những chỗ ngứa ngáy, làm cho dịch rỉ chảy ra, ít lâu sau khô lại đông kết thành vảy, rụng lông, da sần sùi dày cộm. Nếu bội nhiễm do các vi trùng sinh mủ Staphylococcus gây nên thì mụn trở thành mủ đặc, sau khi biến thành màu sẫm, hay màu nâu xám, khi chó ngứa gãi, các mụn này vỡ ra, sau kết lại thành vảy.

III. Chẩn đoán

Nên tiến hành việc chẩn đoán tổng hợp, một mặt căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng kết hợp với tình hình lưu hành bệnh tại mỗi cơ sở, mặt khác cần tiến hành xét nghiệm phân tích mẫu vật bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm để tìm ra bệnh nguyên.

IV. Điều trị

– Dùng Hanmectin 25 liều 0,10 – 0,15 ml/kgP tiêm dưới da cách nhau 2 ngày. Liệu trình 4 – 6 tuần.
– Dùng Amitraz 0,1% tắm cho chó tuần 2 lần.
– Nếu trường hợp con vật có hiện tượng viêm loét da do gãi nhiều gây nhiễm trùng kế phát thì có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau: Hanmolin LA 1ml/10kgP. Tiêm bắp ngày 1 lần, Lincomycin 10% 1ml/4 – 8kgP. Tiêm bắp ngày 1 lần, tiêm liên tục từ 5 – 7 ngày.
– Tiêm Dexamethasone liều 0,2 – 0,5ml/con.
– Tiêm vitamin ADE liều 1ml/10kgP để tăng sức đề kháng và hỗ trợ mọc lông.
Chú ý: thường xuyên tắm chải cho chó. Cách ly chó ghẻ và điều trị kịp thời.

BỆNH GHẺ BAO LÔNG
(Demodex canis)

I. Đặc điểm

– Bệnh ghẻ bao lông hay còn gọi bệnh ghẻ do Demodex canis, là loại bệnh ghẻ thường xuyên gặp ở chó.
– Ghẻ Demodex ký sinh ở màng bọc xung quanh của lông hoặc trong tuyến mỡ, ở phần đáy của tầng bì tiếp giáp với tầng tổ chức dưới da của chó. Do vậy, con ghẻ Demodex có nhiều trong các ổ mủ ở lớp tổ chức dưới da vật chủ.
– Ghẻ Demodex có sức sống rất dai: rời khỏi vật chủ trong điều kiện thuận lợi, có đủ độ ẩm có thể sống được 5 – 7 ngày.
– Bệnh thường phát sinh ở chó con và chó trưởng thành. Những điều kiện giúp cho loại bệnh này phát ra rõ rệt ở loài chó là chó non, loài chó lông ngắn, thể trạng dinh dưỡng kém, sức đề kháng suy yếu. Ngoài ra, tắm rửa cho chó bằng nước xà phòng có nhiều chất kiềm cũng làm giảm sức kháng bệnh của lớp da bên ngoài.

II. Triệu chứng

Có thể chia bệnh ghẻ bao lông ra làm hai loại hình.

– Bệnh dạng khô:

Bệnh ở thể nhẹ, khi mới phát ra thường thấy có bệnh tích rõ ở lớp da trên trán, mi mắt, bốn chân có biểu hiện rụng lông, da dày cộm thành màu đỏ thẫm. Chó bệnh thường hay đưa chân lên gãi ở nơi có bệnh tích.

– Bệnh dạng mủ:

Biểu hiện có những mụn mủ sưng mọng, đặc quánh màu vàng xám do các vi trùng sinh mủ ngoài da kế phát xâm nhập vào. Tại các vùng bệnh tích này có biểu hiện rụng lông, da nhăn nheo, lâu ngày các tổ chức chết cùng với thể dịch lâm ba tiết tạo thành các vảy khô cứng dày cộm.
Bệnh nặng có thể làm toàn thân chó bị trụi hết lông, có nhiều con mang bệnh tích lớn với các ổ mủ áp xe, thường thấy rõ ở các vùng da mỏng như ở vùng bụng, nách và háng.

IV. Điều trị

– Dùng Hanmectin 25 liều 0,10 – 0,15 ml/kgP, tiêm dưới da cách nhau 2 ngày. Liệu trình 4 – 6 tuần.
– Dùng Amitraz 0,1%, tắm cho chó tuần 2 lần.
– Nếu trường hợp con vật có hiện tượng viêm loét da do gãi nhiều gây nhiễm trùng kế phát có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau: Hanmolin – LA 1ml/10kgP, Lincomycin 10% 1ml/4 – 8kgP, dùng trong 5 – 7 ngày.
– Tiêm Dexamethasone liều 0,2 – 0,5ml, tiêm vitamin ADE liều 1m/10kgP để tăng sức đề kháng và hỗ trợ mọc lông.

Chú ý:
– Thường xuyên tắm chải cho chó.
– Cách ly chó ghẻ và và điều trị kịp thời.
– Liệu trình điều trị kéo dài 8 – 10 tuần, thậm chí nếu bị bệnh ở mức độ nặng và mắc thời gian lâu phải điều trị hết đời con chó vi dễ bị tái phát lại.

BỆNH VIÊM RUỘT CẤP DO NHIỄM KHUẨN
(Acute Enteritis)

I. Đặc điểm

– Bệnh viêm ruột cấp diễn biến nhanh, có thể làm chết 70 – 100% chó bệnh.
– Bệnh xảy ra ở tất cả các chó hiện được nuôi ở nước ta và ở tất cả các lứa tuổi của chó. Đặc biệt ở chó dưới 6 tháng tuổi thì bệnh thường nặng và tỷ lệ chết cao hơn, có thể tới 90 – 100%. Chó trưởng thành và chó nội có sức đề kháng với bệnh cao hơn và tỷ lệ chết thấp hơn (40 – 45%).
– Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hoá (chó mắc bệnh là do ăn uống phải thức ăn và nước uống có vi khuẩn gây bệnh).
– Chó nuôi trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Chó thường bị bệnh nhiều trong các tháng nóng có mưa ẩm ướt. Tuy nhiên, bệnh vẫn xảy ra quanh năm gây nhiều thiệt hại cho chó cảnh và chó nghiệp vụ.
– Cho đến nay, các nhà khoa học ở nhiều nước đã xác nhận các vi khuẩn có thể gây ra viêm ruột cấp ở chó là:
+ Nhóm vi khuẩn thương hàn (các chủng Salmonella Enteritidis, S. paratyphi A, B, S. murium).
+ Nhóm vi khuẩn E. coli (thường do những E Coli có kháng nguyên O và K chiếm ưu thế).
Nhóm vi khuẩn yếm khí (Clostridium perfringens, Necrophorus)
Những vi khuẩn khác (Ngoài 4 nhóm vi khuẩn kế trên, một số vi khuẩn khác cũng tham gia vào quá trình gây viêm ruột của chó như Proteus vulgaris, Klebsiella, Listeria monocytogenes).

II. Triệu chứng

Trong 1 – 2 ngày đầu chó ăn ít hoặc bỏ ăn, mệt mỏi, uống nước nhiều, thân nhiệt tăng (39,5 – 40°C), đặc biệt khi nhiễm khuẩn Salmonella và Staphylococcus và Clostridium perfringens, chó sẽ sốt cao (40 – 41°C) trong vài ngày.
Sau đó chó nôn mửa liên tục, uống nước cũng nôn đồng thời đi ỉa chảy dữ dội, phân đầu tiên táo bón sau lỏng như nước, có màu xám vàng hoặc xanh xám, có lẫn dịch nhầy, có mùi tanh khẳm. Chó đi ỉa nhiều lần trong ngày. Do nôn mửa và ỉa chảy liên tục, chó bị mất nước, mất chất điện giải rất nhanh và chết nhanh. Bệnh diễn biến trong thời gian 2 – 4 ngày. Thời kỳ cuối của bệnh chó thường thường bị chảy máu ruột nên phân có màu nâu thẫm. Trước khi chết chó thường bị tụt nhiệt độ (chỉ còn 36 – 37°C), hạ huyết áp, tim đập nhanh 120 – 150 nhịp/phút. Giai đoạn này chó bị kiệt sức không đi lại được, chỉ nằm một chỗ, phân lỏng rỉ ra hậu môn không kiềm chế được và khi tiêm thuốc chó mất cảm giác đau đớn. Nếu không được chữa kịp thời, chó chết với tỷ lệ rất cao 70 – 100% chỉ trong thời gian 2- 4 ngày.

III. Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng, bệnh viêm ruột cấp của chó dễ nhận thấy các triệu chứng đặc trưng: nôn mửa liên tục, ỉa lỏng và phân tanh có lẫn máu và dịch nhầy.

– Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp sau:
Viêm ruột ỉa chảy do ký sinh trùng đường tiêu hóa: trong trường hợp này, chó không sốt, không bỏ ăn. Ngoài ra cần lấy phân kiểm tra theo phương pháp Fulleborn để tìm các thể hoạt động vào bào nang của Giardia intestinalis và Entamoeba histolytica.

Viêm ruột ỉa chảy do Parvovirus, bệnh care: trong các trường hợp này, ngoài triệu chứng ỉa chảy, chó còn có triệu chứng thần kinh và xuất hiện các mụn mủ ở những vùng da mỏng. Ngoài ra cần nuôi cấy bệnh phẩm (phân, phủ tạng, tủy xương) để phân lập virus.

IV. Điều trị

Nguyên tắc điều trị: điều trị nguyên nhân kết hợp với chữa triệu chứng và trợ sức trợ lực cho con vật.

1. Điều trị nguyên nhân:
Tùy nguyên nhân mà sử dụng thuốc. Có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau:
– Hamcoli – S liều trung bình 1ml/6kgP, tiêm bắp hoặc dưới da ngày 1 – 2 lần cách nhau 12 giờ. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.
– Nofacoli liều trung bình 1ml/10kgP, tiêm bắp hoặc dưới da ngày 1 – 2 lần cách nhau 12 giờ. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.

2. Bổ sung nước và chất điện giải, trợ sức trợ lực cho cơ thể
Dùng dung dịch ringer lactat, hoặc nước muối sinh lý 0,9%, hoặc dung dịch đường glucose 5- 10%, truyền tĩnh mạch. Kết hợp với thuốc trợ tim, vitamin C.
3. Dùng thuốc chống nôn: Atropin Sulfat 0,1%, tiêm bắp hoặc cho uống.
4. Dùng thuốc chống chảy máu: vitamin K
5. Cho uống Smecta hoặc Attapulgite làm se niêm mạc ruột và chống mất nước hạn chế xuất huyết.

V. Phòng bệnh

– Thực hiện vệ sinh ăn uống nghiêm túc đối với chó bệnh.
+ Chỉ cho ăn thức ăn chín, không cho ăn thịt động vật sống hoặc tái, trứng sống. Không cho thức ăn ôi thiu.
+ Cho chó uống nước sạch.
– Thực hiện vệ sinh nơi ở, nơi tập luyện chó, tránh ô nhiễm môi trường sống của chó.
– Khi chó bị bệnh phải cách ly với chó khỏe để điều trị, tránh lây lan bệnh.
– Thực hiện tẩy giun sán cho chó.
– Nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng. Định kỳ tiêm vacxin chống bệnh carê và Parvovirus.

Đang xem: BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CHÓ (P2)

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng